Monday, December 3, 2012

Mùa ban trắng ở Mộc Châu

Tháng 3, khi hoa mận hoa đào phai tàn, núi rừng Tây Bắc khoác lên mình bộ áo xanh non, những cơn mưa xuân chỉ còn lác đác là lúc hoa ban nở ngập tràn.

Một ngày trung tuần giữa tháng 3, một mình trên chuyến xem đêm rời Hà Nôi trong cơn mưa phùn ẩm ướt. Tôi đến Mộc Châu lúc canh ba tĩnh mịch. Người chủ nhà trọ lạ lẫm nhìn tôi dò xét:

- Cháu đi một mình?

- Dạ!

-Công tác hả cháu?

- Dạ không, cháu đi ngắm hoa ban, nghe nói mùa này ban đang nở

-… À ờ…đằng sau đồi nhà bác ban nở trắng, mai cháu có thể leo lên đó…

Trời Mộc Châu hôm ấy nắng đẹp dù không xanh và mây không bồng bềnh. Những con đường dẫn vào bản Ôn, bản Áng không còn là bức tranh thủy mạc mờ sương với đào, mận ngập những hoa hàm tiếu chờ xuân đến nở bừng, hay những cánh đồng cải trắng rộng mênh mông. Thay vào đó là một màu xanh ngắt của lá cây rừng, của đồi chè nhấp nhô như những gợn sóng chạy men chân trời, của những ruộng ngô non mơn mởn.


Những đồi chê xanh bạt ngàn trên nông trường Mộc Châu

Những sóng chè trên nông trường Cờ Đỏ

Đường vào bản Ôn xanh ngắt rừng đào, mận hai bên đường

Những ruộng cải còn sót lại trên Thảo Nguyên Mộc Châu

Dọc đường từ  Mộc Châu về hướng Sơn La , lác đác trên các ngọn đồi hoa ban nở trắng từng cụm. Hơi thất vọng vì hình ảnh hoa ban nở “trắng rừng trên đường hành quân” mà tôi từng nghe Ba kể, và ai đó ví von “ban nở ngập trời quốc lộ 6″ đường lên Mộc Châu.

Tôi mang xe máy giấu vào gốc cây bên đường và leo lên ngọn đồi, dõi bước chân theo tiếng mõ ngựa lọc cộc trên cao, tôi len lõi băng đồi tìm hoa ban. Những cánh hoa to màu trắng điểm hồng như những chú bướm xinh rơi đầy trên lối, vương trên lá cây. Trên đầu, ngập một màu trắng tinh khôi. Hoa ban, một loài hoa đẹp gắn với sự tích buồn về câu chuyện tình đầy thủy chung của người  Thái Tây Bắc. Loài hoa ấy tượng trưng cho sự  chung tình, sắt son của đôi lứa yêu nhau.


“Nàng Ban xinh đẹp
Yêu chàng trai Khum
Tình duyên không thành
Chết hóa thành ban…”



"Nàng Ban" của núi rừng Tây Bắc

Trắng thủy chung, trắng tinh khôi

Ban nở trắng trời Mộc Châu

Người ta bảo vài năm trước cứ vào mùa, ban nở trắng khắp nơi, ban trên đỉnh núi, ban lưng chừng đồi. Nhưng gần đây người dân làm nương phát rẫy, ban dần dần bị chặt bỏ hết.

Tôi tiếc, và nhiều người khác cũng sẽ tiếc như tôi. Tiếc cho một loài hoa dại sắp mai một, tiếc cho sự tích về loài hoa có thể sẽ là một cổ tích trong thế giới hiện đại khi ban không còn nữa.

Và tôi thấy mình may mắn. Tôi đã được ngắm nhìn hoa ban nở trên núi rừng  Tây Bắc. Trong nếp chiều, nắng vàng nhuộm lẫn màu khói lam, ban vẫn trắng tinh khiết như trong câu chuyện tình truyền thuyết thuở kia.

Nguồn: saigonphoto.net

Phú Quý duyên kì ngộ

Tôi ví Phú Quý là tình yêu, còn tôi là kẻ lang bạt đi tìm tình yêu. Một tình yêu trong sáng, sạch sẽ, tươm tất và bình dị nhưng vô cùng khó để chiếm được “trái tim” của tình yêu này. Ai đã từng yêu, đã từng theo đuổi tình yêu sẽ thấu hiểu được cảm giác càng khó chinh phục càng hừng hực lửa yêu thương. 

Lỡ hẹn đến lần thứ tư, giấc mơ về Phú Quý tôi mới được chạm đến. Ba lần trước nào là bão đến bất ngờ, lệnh cấm tàu không chạy, khăn gói từ Sài Gòn chạy xe máy xuyên đêm hai lần nhưng khi đến nơi thì lịch tàu thay đổi do con nước, có khi do thời tiết…Điều kiện đến Phú Quý không thuận tiện, ngậm ngùi nhưng nhất định sẽ không bỏ cuộc.

Chuyến đi bất ngờ, tôi đặt chân lên con tàu Phú Quý 07 lúc 4 giờ sáng, còn hai tiếng đồng hồ nữa tàu mới rời bến. Chui vào một góc vắng trong boong tàu chập chờn giấc ngủ và chờ đợi. Hơn sáu giờ lênh đênh trên biển với những con sóng xanh ngắt chực nuốt chửng con tàu, là người rất yêu biển nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ biển đến vậy. Tôi đã hiểu ra vì sao nhiều người thích Phú Quý nhưng không đến được vì không vượt qua nổi chặng đường lênh đênh say sóng ngặt nghẽo, rã rời.

Phú Quý đón tôi vào một ngày nắng đẹp, biển trong xanh và bình yên. Làm quen với anh bộ đội trên đảo, anh nhiệt tình chỉ dẫn và gọi giúp tôi người cho thuê xe gắn máy. Tôi ấn tượng về sự nhiệt tình, thật thà của người dân trên đảo. Giao xe cho tôi, nhưng người ta chẳng thèm hỏi lấy tên tôi, chẳng cần biết số phone của tôi.

Tôi ngơ ngác “Vài ngày nữa em trả xe, liên hệ với anh bằng cách nào???”. Người ta đưa cho tôi mảnh giấy, trên đó có ghi tên, số điện thoại và dặn tôi khi cần trả xe thì liên hệ với những thông tin này. Tôi ngây người, ngạc nhiên đến sửng sốt, hết lời cảm ơn và leo lên xe. Buổi trưa trên đảo thật yên tĩnh, những con đường nhỏ rợp bóng cây, uốn quanh bờ biển dưới nắng vàng, những nếp nhà xây gọn gẽ nép sát vào nhau, mọi thứ vừa mang nét hoang sơ lại vừa ngăn nắp, tinh tươm đến lạ.


Những bãi biển dài trong vắt

Toàn cảnh Mũi Doi Thầy và cụm Nhà Hàng Long Vỹ

Chứng tích của núi lửa trên Mũi Doi Thầy

Phú Quý hay còn gọi là Cù Lao Thu là một huyện đảo nhỏ thuộc tỉnh Bình Thuận, với diện tích chỉ 16km vuông, dân số hơn 19.000 người hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Với những nét văn hóa, phong tục và giọng nói cũng hoàn toàn khác lạ.

Nằm cách đất liền (TP Phan Thiết) 56 hải lý, nhưng việc đi lại của tàu ra Phú Quý rất khó khăn phải phụ thuộc vào con nước và thời tiết. Mặc dù hiện nay có hơn 4 tàu ra vào Phú Quý, song lịch trình không cố định, có thể thay đổi vào giờ cuối. Trên đảo không có nhiều dịch vụ dành cho du lịch, không hàng quán ăn uống, không nhiều nhà nghỉ, chỉ có một nhà hàng duy nhất là Long Vỹ nhưng chưa phát triển hết đúng ý nghĩa của nó. 

Không thiếu thốn về nguồn nước ngọt, người dân tự trồng rau sạch ngay trên đảo nên giá cả không đắt. Hải sản phong phú và là nơi nuôi trồng nhiều hải sản như tôm hùm, tôm mũ ni, tôm đỏ, cua huỳnh đế, cá mú các loại, cá cam… để xuất khẩu ra nước ngoài và tiêu thụ về đất liền.

Thông tin duy nhất của một người bạn cho tôi trước khi lên đường là Nhà Hàng Long Vỹ ở tận cuối đảo, nghe bạn bảo ở đấy vừa là nhà hàng, vừa có vài phòng cho khách thuê trọ. Bạn dặn tôi nên ở đó để buổi sáng có thể đón bình minh ngắm mặt trời mọc. Tôi mở la bàn để định hướng và cứ thế đi. Nhà Hàng Long Vỹ bên cạnh mỏm đá dôi ra sát biển, phía sau là mũi Doi Thầy với xóm chài nhỏ và một bãi biển trong veo nhìn thấy được những viên đá trong lòng nước.

Hơn ba giờ chiều, khi nắng đã dịu dần, tôi xách xe lang thang trên đảo. Trên đỉnh núi Cao Cát, chùa Linh Sơn nằm tựa mình vào vách núi, yên bình, linh thiêng. Tượng phật Quan Âm nằm nơi cao nhất trên đỉnh, hướng mặt ra phía biển. Phía dưới chân núi là những làng chài, từng lớp sóng trắng xóa nối tiếp nhau vào bờ như một bức tranh hoàn thiện về sơn thủy.

Trời nhạt nắng, đã định hướng được nơi mặt trời sẽ lặn, nhưng vẫn chưa tìm được vị trí thích hợp để ngắm được toàn cảnh hoàng hôn trên đảo. Tôi lân la hỏi chuyện lũ trẻ, chúng bảo rằng nếu muốn nhìn thấy toàn cảnh hoàng hôn thì phải leo lên đỉnh núi Cấm, trên đó có ngọn Hải Đăng, buổi chiều ở trên đấy tuyệt lắm. Từ Cao Cát sang núi Cấm mất vài km, sợ không kịp, tôi phóng xe như tay đua kiệt xuất.

Mặt trời bắt đầu lặn, tôi tự hỏi có ai đã bao giờ chạy đua với ông mặt trời!? Nhưng lúc này đây tôi đang chạy đua với ông ấy. Đỏ au, tròn vo, to như cái thúng, tôi nhìn thấy ông mặt trời lấp ló sau những hàng phi lao phía biển, cách một cánh đồng. Chưa bao giờ tôi có một sức mạnh phi thường đến thế, đôi chân thoăn thoắt tôi leo lên gần 300 bậc thang để trèo lên đỉnh ngọn núi Cấm. Tiếc thay, mặt trời đã rơi ùm xuống biển, tôi thất thểu, mồ hôi nhễ nhại vác ba lô máy ảnh trên vai lê từng bước chân nặng trĩu xuống núi, trời sập tối.


Chùa Linh Sơn

Trên Đỉnh Cao Cát nhìn xuống chùa Linh Sơn

Bình minh trên làng chài

Mũi Doi Thầy đón ngày mới

Bình minh ở Phú Quý thật sớm, năm giờ sáng trời đã rực hồng. Không gian yên tĩnh, ngay cả tiếng sóng vỗ bờ cũng nhẹ nhàng đến đỗi không muốn đánh thức cảnh vật xung quanh. Khi những tia nắng rải đều trên biển, một ngày mới bắt đầu. Tôi lang thang trên con đường nhỏ ra mũi Dinh Thầy, mặt trời to tròn nhô lên từ biển, làng chài bình yên, bóng tôi đổ dài theo vạt nắng sớm.

Sáng hôm ấy tôi là khách quý trên đảo, em gái con của chủ nhà hàng Long Vỹ nhiệt tình dẫn tôi đi ăn sáng và thăm đảo. Cuộc hội ngộ bất ngờ của những kẻ tha phương trên đảo đã cho tôi may mắn được gặp anh, chàng kỹ sư hào hoa đất Hà Thành đang công tác tại dự án nhà máy phong điện Phú Quý. Anh đèo tôi trên xe gắn máy rong ruỗi khắp nẻo đường trên đảo. Những con đường xanh ngắt phi lao chạy dài ra đến tận vịnh Triều Dương. Biển mênh mông trước mặt màu ngọc bích, điểm  tô những vạt cát trắng tinh, những gợn sóng lăn tăn của ngày ít gió, nắng vàng như cốm mới. “Đẹp quá!”, tôi thốt lên đầy say đắm.

Đã là biển thì ở đâu cũng đẹp với cát trắng, trời xanh, nước long lanh trong vắt. Đó là điều mà bất kỳ ai cũng nhận xét về biển. Cũng giống như đàn bà đẹp là đàn bà hiền dịu, nết na, giỏi gia chánh, biết chiều chồng trong nhận định của các đấng đàn ông. Nhưng với tôi, Phú Quý có cái đẹp hoàn toàn khác, vừa lãng mạn, vừa tinh khôi lại đầy hoang dại, cứ như là nét duyên ngầm của người con gái tuổi xuân thì.

Khách quý là tôi hôm ấy được thiết đãi bởi những con người rất đặc biệt. Họ không phải là người sinh ra từ Phú Quý, họ cũng như tôi, chỉ có khác Phú Quý đối với họ như một phần ruột thịt vì họ cống hiến tuổi xuân, xa quê hương, xa gia đình để góp phần xây dựng Phú Quý thêm giàu đẹp và bình yên. Chiếc thuyền nhỏ rẻ làn nước trong veo nhìn thấy đáy với những lớp san hô đưa tôi từ làng chài Lạch Dù đến bè nuôi trồng hải sản trên biển.

Ở đấy tôi được học hỏi các anh về cách chế biến các món ẩm thực mang một nét riêng mà không một đầu bếp, hay nhà hàng nào ở bất kỳ đâu có thể “đụng hàng”. Cá mú đủ loại, cá cam, tôm hùm, tôm đỏ, tôm mũ ni, mực ống được bắt sống từ bè lên, tôi có một buổi đại tiệc xa xỉ trên biển. Những lon bia lạnh, những câu chuyện kể, những tiếng cười giòn tan, những làn gió mát mang hương vị nồng nàn của biển…đó là những ký ức vô giá mà tôi may mắn sở hữu. Một gia tài lớn không thể mua được những kỷ niệm  tuyệt vời ấy.


Phú Quý, từ một góc nhìn đặc biệt

Một góc Vinh Triều Dương

Thuyên neo bến ở một làng chài

Phơi mực cơm sau khi hấp

Bè cá trên biển
Tôi buộc phải rời Phú Quý “khẩn cấp” vì thời tiết, con nước thay đổi. Nếu ở lại tôi sẽ phải đợi vài ngày sau mới có tàu đi Phan Thiết, lòng tiếc ngẩn ngơ, tôi buồn, nét luồn lộ hẳn lên khuôn mặt. Những người bạn mới trấn an, dụ dỗ tôi ở lại thêm nhưng vì công việc tôi không thể. 

Chuyến tàu khuya sẽ đưa tôi rời Phú Quý. Buổi chiều sau khi thêm  lần nữa đi bộ lên Hải Đăng cùng anh bạn kỹ sư, tôi đón hoàng hôn trên bãi biển ở Vịnh Ông Tỉnh. “Hoàng hôn màu tím”, tôi cứ ngỡ đó chỉ là những ca từ ví von của một thi nhạc sĩ nào đó, nhưng tôi đã thật sự chiêm ngưỡng nó. Biển chiều nhuộm màu tím ngắt, phảng phất chút gì đó man mác buồn trong tôi lúc ấy.

Tôi chào tạm  biệt người em gái mới quen, xốc ba lô lên lưng, em ríu rít dặn tôi “chị phải quay trở lại Phú Quý đó nghe, em mong ngày chị quay lại nơi này và đi hai mình chứ không phải một mình đâu nhé…”. Tôi cười, chạy xuống cầu thang thật nhanh như thể giấu đi vội vàng sự yếu đuối sắp chực ào ra “Chị hứa mà, nhất định sẽ gặp lại em sớm thôi”.
Tôi phóng xe máy chạy vù vù trong đêm tối, tiếng gió rít bên tai những âm thanh quái đản.Sự gai góc trong con người tôi phách lạc đâu hết, tôi sợ xanh mặt, muốn bật khóc òa. Tôi không dám quay lại nhìn sau lưng mình, xung quanh tối om như mực, tôi cúi đầu phóng bạt mạng. Con đường cuối đảo này một bên là rừng phi lao, một bên là những nghĩa địa chạy dài men theo triền biển. Tôi lạc đường, bất đắc dĩ dừng lại trong sự thảng thốt, cố bình tỉnh giấu sự sợ hãi, nhấc máy gọi bạn chỉ đường.

Tối hôm ấy ở Trạm ra-da 55 của Phòng quân không quân, mọi người tổ chức liên hoan chia tay một “đồng chí” nghỉ phép về Bắc. Tôi được anh bạn kỹ sư dẫn đến và tham gia cùng mọi người, anh giới thiệu tôi là một “phóng viên”, mọi người tin ra mặt. Họ quên mất tôi là nữ, ai cũng nhiệt tình rót rượu mời cô “phóng viên”, nghĩ đến khuya mình phải lên tàu, tôi khéo léo từ chối.

Khoảng thời gian ngắn ngủi, tôi còn chưa kịp nhớ hết tên của mấy chục con người trong buổi liên hoan ấy nhưng vẫn đủ cho tôi nhận ra tấm lòng, tâm huyết, và sự hi sinh cao cả của những con người đang làm nhiệm vụ nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió này. Họ bỏ lại sau lưng tuổi trẻ, hoài bảo, khát vọng để xem Phú Quý là nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn cho những đứa trẻ để bảo vệ biển đảo của tổ quốc.


Miệng núi lửa

Toàn cảnh bãi Lạch Dù

11 giờ khuya tàu Bình Thuận 16 sẽ nhổ neo, tôi sẽ rời xa Phú Quý. Bên cạnh tôi là những người bạn mới đầy nhiệt tình, đưa tiễn tôi ra tận bến tàu, nán lại chờ tôi lên tàu mới quay về. Đêm ấy sóng lớn, mà hầu như ngày nào vùng biển ấy cũng đầy sóng, đầy gió như thế. Trai tráng lực lưỡng đi tàu ra Phú Quý còn ngại huống gì là phụ nữ. Tôi may mắn được trời ban cho một sức chịu đựng sự khắc nghiệt khá tốt, chưa bao giờ có cảm giác say tàu xe. Nhưng chuyến tàu hôm ấy, giờ đây mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn cảm giác rờn rợn. 

Những con sóng cao ngất như vồ lấy cả con tàu, sóng va vào thân tàu ràn rạt, nước tung tóe tràn cả vào khoang tàu qua mấy cánh cửa đã đóng kín. Tôi không mua được vé nằm nên phải trải chiếu nằm giữa sàn tàu, chật chội, đông đúc, bẩn thỉu ẩm rít của nước biển và mùi tanh của những hành khách say tàu. Cảm giác nếu phải chịu đựng thêm ít phút trong cái không gian ngột ngạt ấy tôi sẽ chết… Tôi kéo ba lô ra sát cánh cửa ra vào phía trước mũi tàu, ba lô làm gối, áo khoác làm chăn, mặt mũi bịt kín mít, nằm co ro, cổ họng nhờn nhợn muốn trào hết thảy mọi thứ ra ngoài, vùng thượng vị cồn cào, thật khủng khiếp. Càng xa khơi biển càng dữ dội, con tàu như bị tung lên khỏi mặt nước, nghiên hẳn về một bên, tôi rơi tự do từ thành tàu bên này sang thành tàu bên kia.

Đó là một chuyến đi nhớ đời của tôi, từ cảm xúc, từ những điều tôi lượm lặt, từ những nỗi niềm  riêng và cả cho những quyết định dứt bỏ gì đó từng tồn tại trong lòng tôi. Phú Quý đẹp, đến với Phú Quý là đến bằng cả tấm  lòng, không đến vì sự tò mò, hay sự thỏa mãn chứng tỏ nhất thời. Những ngày ở Phú Quý tôi đã tìm thấy chính mình trong con người mình.

Tôi không thuộc tuýp người “vội vã” nhưng tôi luôn sẵn sàng từ bỏ những thứ tưởng chừng khó có thể “quay lưng” một khi cảm nhận nó không thật sự cần thiết và xứng đáng. Ai cũng mong ước mình luôn có một “tri kỷ” trong đời để có thể khóc, có thể cười, có thể hỉ xả khi họ cần mà không ràng buộc nhau về dục vọng hay những giá trị khác của đời thường.

Ngày trước tôi cũng từng mong muốn như thế, nhưng bây giờ tôi đã tìm thấy “tri kỷ” cho mình đó là những nơi tôi đến, đó là cảnh vật vô thường trên đường tôi qua nhưng có sức mạnh hóa giải lòng người ghê gớm.

Nguồn: saigonphoto.net

Sunday, December 2, 2012

Gà xào cung bửu thơm ngon

Không chỉ là món ăn thơm ngon đậm đà mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng và chống ngán cho bữa ăn của gia đình bạn. Cùng vào bếp chế biến món ngon này nhé!
Nguyên liệu:
  • 300g thịt ức gà
  • 50g hạt điều
  • 1/4 quả ớt chuông xanh
  • 50g nấm có thể dùng nấm rơm, hay nấm chân gà
  • 50g cà chua bi
  • Muối, hạt nêm, muối, dầu hào, xì dầu
  • Hành lá, hành tím, tỏi
  • 1 thìa nhỏ tương đậu đen (tùy ý thích).
Cách làm:


  • Gà rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn, ướp vào bát gà một thìa nhỏ muối, một ít dầu hào, trộn đều, ướp khoảng 30 phút.
  • Ớt chuông, nấm, cà chua bi, rửa sạch, để ráo. Ớt cắt chéo, cà chua bi, nấm bổ làm đôi. Hành tím, tỏi bóc vỏ băm nhuyễn.
  • Đun nóng ba thìa nhỏ dầu ăn, phi thơm hành, tỏi cho thịt gà vào xào cho thịt gà săn lại.
  • Tiếp tục đậy kín nắp chảo, đun từ 5-10 phút cho đến khi thịt gà mềm.
  • Cuối cùng cho rau củ, hạt điều vào đảo đều, rưới một ít xì dầu vào chảo, thêm một ít muối và nửa thìa nhỏ hạt nêm, và tương đậu đen, đảo nhanh tay lửa lớn, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
  • Tắt bếp thêm một ít dầu hào và hành lá đã thái nhỏ vào.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!
(Theo Ngoisao)

Gà xào sả ớt

Gà xào sả ớt là món ăn quen thuộc trong ẩm thực Việt, miếng thịt gà mềm mềm, dai dai cùng mùi thơm nức mũi của sả ớt sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn của gia đình bạn.

Nguyên liệu:
  • 300g thịt gà
  • 1/2 gói bột cà ri
  • 1/2 gói ngũ vị hương
  • 3 củ sả
  • 2 củ hành sim
  • 1 quả ớt tươi
  • Muối, đường, tiêu, mì chính, dầu ăn, nước mắm.
Cách làm:


  • Gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, để ráo.
  • Ướp gà với bột cà ri, ngũ vị hương, hành sim băm, ớt tỏi băm, ít đường, mì chính, nước mắm sao cho vừa ăn.
  • Gà vừa ướp xong, để khoảng 20 phút cho thấm tất cả gia vi.
  • Sả băm nhuyễn cùng ớt và tỏi để tạo thêm mùi thơm cho món ăn.
  • Tùy vào sở thích, bạn có thể cho nhiều hay ít sả trong quá trình chế biến.
  • Bắc chảo lên bếp, cho vào khoảng 2 muỗng canh dầu ăn, sau đó bỏ sả, ớt, tỏi băm vào xào cho thơm.
  • Bỏ thịt gà vào xào nhanh tay khoảng 5 phút, cho đến khi thịt vừa chín vàng đều.
  • Đừng nêm quá mặn sẽ khó ăn, cũng đừng cho quá nhiều đường sẽ nhanh cháy.
  • Gà chín vàng thơm, cho ra đĩa, rắc một ít tiêu cho thơm món ăn.
  • Thịt gà chín mềm, ngấm gia vị đậm đà, mùi sả xào thơm nồng và đặc biệt là vị ớt cay cay, rất ngon miệng.
  • Bạn có thể ăn kèm món này với cơm nóng.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!
(Theo Ngoisao)